4 nguyên tắc bố cục xịn sò giúp bạn có bức ảnh ấn tượng

Khi một nhiếp ảnh gia có khả năng bắt trọn khoảnh khắc và sắp xếp bố cục thông minh, thì dù chỉ là một bông hoa đơn điệu cũng trở nên thật có hồn. Chính vì vậy, một bức ảnh ấn tượng chưa bao giờ thoát khỏi những nguyên tắc bố cục cơ bản nhất. Nằm lòng 4 nguyên tắc bố cục dưới đây sẽ giúp bạn trở thành nghệ sĩ thực thụ trong nghệ thuật nhiếp ảnh.

Bố cục chụp ảnh là gì?

Trước tiên bạn có đồng ý rằng một bức ảnh có hồn luôn khiến bạn phải dõi theo những điểm nhấn bên trong nó? Vậy là người chụp đã thành công truyền tải thông điệp/ý tưởng mà họ muốn thông qua bức ảnh. Và thứ mà họ sử dụng để tạo nên điểm ấn tượng cho bức ảnh chính là sắp xếp bố cục hợp lý.

Một bức ảnh có bố cục tốt sẽ trông ấn tượng hơn

Như vậy, bố cục chụp ảnh là cách người chụp bố trí, sắp xếp những đồ vật/đối tượng/nhân vật… theo một cấu trúc đã định sẵn. Bố cục ảnh luôn áp dụng cho mọi chủ đề từ ảnh tĩnh cho đến ảnh động. Dù là bạn chụp một đàn chim bay, một chú chó đang đùa giỡn hay những hoạt động của con người, bạn đều phải tuân theo những bố cục cơ bản.

Bố cục chụp ảnh nên trở thành phản xạ tự nhiên của bất kỳ nhiếp ảnh gia nào. Thuần thục kỹ năng này sẽ giúp bạn chỉ cần giơ máy lên là bắt trọn khoảnh khắc, trông mọi thứ như vô tình chụp được mà vẫn đảm bảo bố cục vô cùng hoàn hảo.

4 nguyên tắc bố cục mà một nhiếp ảnh gia nên nằm lòng

Bây giờ, hãy cùng Kanimod nâng tầm chụp ảnh của bạn bằng một số bố cục chụp ảnh siêu xịn dưới đây nhé!

1. Bố cục 1/3

Gần đây, chế độ lưới (live view) trên điện thoại hay máy ảnh luôn là bí kíp để dàn trai xinh gái đẹp trên mạng xã hội trở nên thần thái ngút ngàn. Đó là một cái lưới chia đều màn hình ra thành 9 ô hình chữ nhật. Và chính quy tắc này gọi là quy tắc 1/3 trong bố cục ảnh hay còn được gọi là quy tắc điểm vàng. Lưới 3×3 được coi là bố cục tạo sự cân bằng tốt nhất cho mọi bức ảnh.

Lưới 3×3 được coi là bố cục tạo sự cân bằng tốt nhất cho mọi bức ảnh

Người chụp sẽ đặt chủ thể bức ảnh vào 1 trong 4 điểm giao nhau ở giữa khung ảnh, hoặc là đặt đối tượng trọng tâm dọc theo các đường kẻ. Và như vậy sẽ dễ dàng tạo ra những bức ảnh đầy cuốn hút, cân đối và cũng rất ấn tượng so với đặt chủ thể/đối tượng vào giữa khung ảnh như thông thường.

Bố cục 1/3 là cách đơn giản nhất, dễ thực hiện bởi bất kỳ ai và tin vui là bạn có thể dùng kỹ thuật này cho tất cả các thiết bị ghi hình hiện nay một cách dễ dàng.

Xem thêm: Hướng dẫn chụp ảnh đẹp bằng iPhone 2023

2. Bố cục trung tâm

Bố cục trung tâm được ứng dụng rất nhiều trong việc chụp ảnh chân dung, một đóa hoa hoặc một chủ thể chính mà người chụp muốn nhấn mạnh. Bạn chỉ cần đặt đối tượng/chủ thể chính vào vị trí trung tâm bức ảnh là có ngay bố cục này. Tuy nhiên, khác với bố cục 1/3 dễ dàng làm cho bức ảnh trở nên nghệ thuật, ấn tượng và có hồ. Bố cục trung tâm có thể khiến bức ảnh của bạn trở nên nhàm chán nếu không biết cách xử lý.

Bố cục trung tâm được ứng dụng rất nhiều trong việc chụp ảnh chân dung, một đóa hoa hoặc một chủ thể chính mà người chụp muốn nhấn mạnh.

Bạn có thể thử dùng hiệu ứng chụp bokeh cho phần nền chủ thể phụ quanh chủ thể chính, giúp chủ thể chính của bức ảnh trông cuốn hút hơn.

3. Bố cục đối xứng

Bố cục đối xứng giúp cho bức ảnh của bạn trông thú vị hơn hẳn so với thông thường. Với cách chụp này bạn vẫn cần đặt đối tượng chính vào trung tâm của khung hình và chọn cho nó một hình ảnh đối xứng phù hợp. Có thể là hình ảnh phản chiếu qua gương, qua mặt hồ hoặc sự đối xứng do chính bạn sắp đặt.

Bố cục đối xứng tạo nên sự thú vị cho bức ảnh

Với cách chụp này bạn cần nhớ đặt máy ảnh song song với chủ thể chính của bức ảnh. Và hãy để sự đối xứng trở nên ngẫu nhiên, miễn sao tạo được sự cân bằng hợp lý, không nhất thiết phải đối xứng 100% theo kiểu cố ý.

4. Bố cục đường chéo

Với bố cục đường chéo mọi chủ thể trong bức ảnh đều được sắp xếp theo một đường chéo vô hình nào đó. Điều này tạo nên cảm giác bức ảnh có chiều sâu và có độ động tốt hơn so với các bố cục khác.

Bố cục đường chéo tạo nên cảm giác bức ảnh có chiều sâu và có độ động tốt hơn so với các bố cục khác

Thông thường bạn sẽ đặt bố cục ảnh theo một đường chéo lớn chia đôi khung hình. Chẳng hạn như chụp một đoạn dốc núi vào mùa xuân với những đường dốc thật sinh động trong bố cục đường chéo. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đặt đường chéo ở vị trí lệch hơn một chút so với đường chéo chia đôi khung hình. Nó sẽ tạo ra sự bất ngờ cho bức ảnh của bạn nhiều hơn nữa.

Hoặc như bạn lựa chọn các đường chéo cắt nhau để đặt chủ thể chính vào điểm giao nhau giữa chúng. Đó là một lựa chọn khôn khéo để khiến cho người nhìn không thể rời mắt khỏi tác phẩm của bạn.

Kết luận

Trước khi trở thành một người được gọi là “nhiếp ảnh gia” với hàng loạt bố cục chụp ảnh nâng cao, hãy chắc chắn bạn vững vàng 4 bố cục chụp ảnh cơ bản gồm: Bố cục 1/3, bố cục đối xứng, bố cục trung tâm và bố cục đường chéo.

Kanimod chúc bạn học hỏi được nhiều điều thú vị từ bài viết này, và không ngừng cho ra đời những tác phẩm thật ấn tượng!

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *